QUẢNG CÁO







Home
Trang chuyên mục
Tin tức sự kiện về hoa
Tết cuối cùng của làng đào La Cả
La Cả thuộc Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội. Đào La Cả hôm nay giống đào Nhật Tân ngày xưa: cành dày cứng, nụ mập, sắc thắm, lâu phai, cánh rụng xuống đất vẫn còn đỏ… Nhưng hình ảnh những cành đào La Cả sẽ không kéo dài được bao nhiêu bởi làn sóng đô thị hóa...


Đào La Cả phục vụ tết năm nay đã bắt đầu hé nụ khoe sắc thắm. Người dân Hà Nội bắt đầu về La Cả để đặt đào chưng Tết Canh Dần. Nhưng năm sau sẽ không còn hình ảnh này nữa khi những tòa nhà cao tầng đang lấn tới và những ngôi nhà trong khu vực giải tỏa đã được dỡ bỏ...

 

La Cả, La Khê, Vạn Phúc... là những làng dệt lụa nổi tiếng xứ Đoài. Chưa cần đặt chân đến làng, chỉ cần nghe câu ca “Chiếu Nga Sơn - gạch Bát Tràng - vải the La Cả - lụa hàng Hà Đông” cũng đủ biết thời xa xưa, La Cả nức tiếng văn vật đến mức nào. La Cả thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Từ sau năm 1954, lụa Hà Đông mất dần, người La Cả chuyển sang một nghề “anh em” với dệt lụa: may gia công. Cuối những năm 1990 đầu 2000, cơn lốc đô thị hóa ở ngoại ô Hà Nội mang đến cho La Cả một cơ hội khác: làng đào Nhật Tân nổi tiếng nhất kinh kỳ bị thu hồi đất, xây khu đô thị mới Ciputra, nên cây đào... chạy về La Cả tị nạn.

 

Những cây đào vẫn nở hoa chuẩn bị cho một mùa xuân mới, dù ở phía sau những cao ốc đã sừng sững mọc lên, và chỉ qua tết thôi, những chiếc cần cẩu sẽ thay thế cho màu hồng hoa đào ở chính mảnh ruộng này

 

Không biết ai là người đầu tiên mang đào Nhật Tân về La Cả trồng, nhưng đến năm 2002 thì hầu như cả làng La Cả đã phủ kín một màu hồng tươi của đào mỗi khi giáp tết. 1.700 người La Cả sống gắn với cây đào, 300 ha đất nông nghiệp của La Cả thì có đến 75% trồng đào. Mỗi sào Bắc bộ (360m2) trồng đào cành thì được 200-280 cành, đào cây trồng thưa hơn, khoảng 2m2/cây, trừ hết chi phí, công xá, mỗi năm được giá sẽ cho gia chủ khoảng 100 triệu đồng, mất mùa cùng khoảng 2/3 số đó. “Trồng đào không giàu nhưng không vất vả, chắc chắn đủ ăn mà lại vui” - Giang, một thanh niên trong xóm Quang Minh (làng La Cả) đang đi chăm đào trên thửa ruộng gần 2 sào của gia đình, nói hồn nhiên.

Một điều kỳ lạ là trong khi đào Nhật Tân mang ra bãi sông Hồng ngay cạnh đó, chỉ cách đúng một con đê thì không mấy người Hà Nội ưa thích vì đất quá tốt, đào lên rất nhanh nên ra hoa cánh mỏng, dễ nhàu, dễ rụng, màu kém đậm, kém tươi, còn đào Nhật Tân về đất La Cả lại hợp đất hợp người. Đào La Cả hôm nay giống y như đào Nhật Tân ngày xưa: cành cứng dày, nụ mập, sắc thắm, lâu phai, cánh rụng xuống đất vẫn còn đỏ... Dân buôn đào Nhật Tân đầu tháng chạp đã về La Cả đánh đào cả gốc, bày bán trên đê sông Hồng đoạn dọc Nhật Tân, giá cắt cổ, y như thể Nhật Tân ngày xưa.

Niềm tự hào và cũng là nguồn thu nhập chính từ trồng đào của người dân La Cả giờ đây là sự nuối tiếc khi nay mai thôi, tất cả những vườn đào đỏ thắm này sẽ chỉ còn trong quá khứ. Bởi theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội), hơn 1,6 triệu m2 đất, trong đó có đến 2/3 diện tích đất trồng hoa màu, đã được bàn giao để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Dương Nội.

Khi chúng tôi vào La Cả, làng đào đang chìm trong những cơn mưa phùn mùa đông, nhưng trên cánh đồng, đào vẫn nở hồn nhiên như không hề biết đây là lần cuối cùng chúng được nở trên đất này. Dưới cánh đồng, người nông dân đang chăm chút cho vụ đào cuối cùng. Chị Sơn, nhà ở xóm Quang Minh, vừa tỉa nụ héo vừa nói rầu rầu: “Tiền đền bù đất là 72 triệu một sào, đào trên đất thì cứ tính 50.000 một cành, 90.000 một cây, cộng cả tiền học nghề nữa, mỗi sào người ta đền cho chúng tôi cao nhất 92 triệu. Một hộ ở La Cả cao nhất cũng chỉ có khoảng 4 sào đất, thấp thì chỉ 1 sào. Trong khi 1m2 đất biệt thự ở đây trên mạng rao bán đã 2.000 USD. Chừng ấy tiền chúng tôi cầm rồi biết làm gì để sống tiếp?”.

Rồi đây những khối nhà ngật ngưỡng, ngộp thở, lạnh ngắt sẽ đứng lừng lững trên đất La Cả, như từng xảy ra với Nhật Tân, Phú Thượng, Ngọc Hà, Quảng Bá...

 

Mỗi mét vuông đất trồng đào giờ đáng giá hàng nghìn USD khi trở thành khu đô thị hoành tráng hơn 1,6 triệu m2
Đào vẫn nở lần cuối trên cánh đồng, bên những ngôi nhà ven đường đã bị đập phá để chuẩn bị cho một con đường bêtông xuyên qua khu đô thị mới

Hôm nay nhà chị Sơn (thôn Quang Minh) có việc hiếu, chị chạy ra đồng thăm 1,2  sào trồng 200 gốc đào rồi mua một chục hoa cúc giá 5.000 đồng của một người láng giềng. Chị chào vội trước khi về: “Nhà tôi vẫn chưa nhận tiền đền bù, tổng cộng có hơn 3 sào vừa đào vừa màu, cầm 200 triệu đồng nghe thì to, nhưng rồi biết làm gì sống qua ngày. Thôi tôi về đây, cứ trông cho qua vụ đào này đã”

Mưa nặng hạt trên cánh đồng đào. “Mọi năm, giờ này đã đông người đến đánh đào gốc về bày sớm, năm nay chưa ai buồn đi mua đào. Ai cũng biết La Cả chỉ còn vụ đào cuối cùng nên ngoài 20 tháng chạp mới đi mua, lúc ấy giá nào mà chả phải bán” - chị Hoa (thôn Hoàng Văn Thụ) than thở. Chị đang tiếp một người khách hỏi mua 10 gốc đào về làm sự kiện cho một công ty điện tử nhưng ông ép giá quá, “50.000 đồng một cành, cao trên 1,4m, đã nở hoa, nụ rất dày”

 

Trong lúc người mẹ ngại ngần, lo lắng khi tiếp xúc với báo đài thì anh Nguyễn Trung Nam bần thần: 60 gốc đào, tương đương gần 1 sào Bắc bộ của gia đình anh, sẽ xóa sổ sau tết này

Theo Dantri.com.vn
  Mời bạn xem thêm
Rộn rã lễ hội phố hoa Hà Nội
(Chiều 31/12, hàng nghìn du khách đã đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm, dọc phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) để đón xem nghệ thuật sắp đặt hoa và các sản phẩm thủ công truyền thống. VnExpress.net ghi lại những hình ảnh này. )
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

CÔNG TY ĐIỆN HOA VŨNG TÀU

  Địa Chỉ: 45 Đường Lê Quý Đôn - TP. Vũng Tàu -  Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Email: DienhoaXinchao@gmail.com

Website: http://dienhoavungtau.vn


Sale 1

Sale 2

Sale 3

 


CHUYÊN MỤC
Đà Lạt rực rỡ hoa
Lá vàng rụng trong mùa thu, tại sao??
Anh đã quên kỷ niệm hoa nguyệt quế
Top 10 bài hát hay về mùa thu Hà nội.
Hương sắc mùa thu
QUẢNG CÁO